Header Ads

Seo Services

Hế lô anh em...!

Ngày nay "tín dụng" có lẽ là cụm từ đã quá quen thuộc với chúng ta đặc biệt là với thế hệ trẻ. Việc quẹt thẻ để thanh toán một món hàng nào đó trở nên phổ biến hơn rất nhiều nếu không muốn nói là chẳng mấy ai dùng tiền mặt nữa.

Nếu mình hỏi các bạn thẻ tín dụng là gì? Có thể các bạn sẽ trả lời đó là loại thẻ cho phép các bạn tiêu trước trả sau và nếu trả chậm sẽ phải chịu phí khá cao. 

Đúng! Nhưng đó chỉ là giải thích đơn giản dựa trên đặc điểm của loại thẻ này. Và bài viết này mình sẽ cùng anh em tìm hiểu "sâu" hơn một chút về quá trình chúng ta sử dụng thẻ này khi thanh toán thì sẽ như thế nào nhé!

Okay, gét gâu....✈️

1. Tổng quan

Nói là phổ biến nhưng chắc vẫn có một số anh em chưa biết hay nói chính xác hơn là vẫn nhầm Credit Card và Debit Card vậy nên mình sẽ điểm qua một chút để anh em nắm được nha.

Credit Card: Là một tấm thẻ làm bằng nhựa mà bạn có thể quẹt để mua đồ 😁😁😁 Haha định nghĩa vậy thì ai chả định nghĩa được nhưng mà nếu anh em giải thích cho mấy em đào mỏ thì cứ giải thích vậy ha :) 

Còn định nghĩa nghiêm túc thì anh em anh em hãy phân tích một chút credit nghĩa là tín dụng vậy credit card là thẻ tín dụng. 

Vậy tín dụng là gì? 

--- Hiểu một cách đơn giản nhất tín dụng chính là lòng tin

Lòng tin của ai với ai? 

--- Đó là lòng tin giữa người cho vay và người đi vay. Trong đó người đi vay có thể trả nợ người cho vay đúng hạn. 

Vậy ai là người đi vay, ai là người cho vay và vay cái gì?

--- Người cho vay ở đây là các tổ chức tài chính (thường là các ngân hàng quốc tế hoặc ngân hàng nội địa) 

--- Người đi vay (cá nhân) chính là chúng ta đó :(

--- Còn vay gì thì tất nhiên là tiền rồi nhưng tiền này không phải tiền mặt mà là một khoản tiền "ảo" có hạn mức trong thẻ của người đi vay.

Túm cái váy lại, credit card là thẻ tín dụng - loại thẻ được phát hành bởi các tổ chức tài chính thường là các ngân hàng. Khi sở hữu thẻ này anh em sẽ được "cho vay" một số tiền gọi là "tiền tín dụng" nhất định để phục vụ một số mục đích như mua sắm, chi trả hóa đơn... tùy thuộc vào nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ có hỗ trợ thẻ không.

Lấy ví dụ thực tế cho dễ hình dung nhỉ, anh em đang "nghiện" một con macbook pro lắm rồi. Giả sử giá chiếc máy là 40 triệu. Bây giờ anh em chỉ có 20 triệu thì làm sao mua được máy đây? Không lẽ đi bốc họ hay vay nặng lãi :)

Không đừng làm thế nha! Nếu nghiện lắm rồi ý thì về hỏi "bố mẹ bank" hoặc "người thân bank" trước xem thế nào. Nếu không được thì ra ngân hàng mở cái thẻ tín dụng với hạn mức 20 triệu hoặc hơn rồi qua bảo em trả thẳng nửa còn lại quẹt thẻ. Nếu cửa hàng hỗ trợ thanh toán thẻ tín dụng là anh em được ôm máy về rồi đó. 

⚠️Lưu ý: Còn khá nhiều quy định (rule) liên quan đến loại thẻ này ví dụ như hạn mức, ngày sao kê, phí trả chậm hoặc bạn cần điều kiện gì để làm thẻ này... Vậy nên anh em hãy tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng loại thẻ được ví như con giao hai lưỡi này nhé.

2. Các bước thanh toán

⚠️Lưu ý: Các bước mình đề cập ở đây không phải là các bước hướng dẫn mua hàng hay thanh toán bằng thẻ tín dụng nha anh em. Nội dung mình đề cập trong bài viết là quá trình dòng tiền di chuyển từ tài khoản của người mua tới tài khoản của người bán như thế nào. Còn cụ thể hơn thì mời anh em theo dõi tiếp!

2.1 - Authorization

2.1.1 - Khái niệm:

Sau khi thanh toán đơn hàng anh em thấy số dư trên tài khoản hay số dư trong thẻ bị trừ đi nhưng thực tế thì ngay tại thời điểm đó có thể số tiền chỉ được tạm giữ mà thôi.

Thế nào gọi là tạm giữ?

Đối với các giao dịch thanh toán online có một khái niệm gọi là tạm giữ tiền. Có nghĩa là nếu tài khoản nguồn (tài khoản của người mua) có đủ điều kiện thanh toán (tài khoản hợp lệ, đủ số dư) thì thay vì ngay lập tức chuyển tiền từ tài khoản nguồn sang tài khoản đích (tài khoản người bán) thì ngân hàng phát hàng thẻ của người mua có thể tạm giữ số tiền bằng với giá trị giao dịch trong thẻ hoặc tài khoản.

Để anh em không hiểu nhầm thì tạm giữ này chính xác hơn là "tạm giữ hộ tiền". Khi nào giao dịch xác nhận thành công (captured) thì mới thực hiện chuyển tiền.   

2.1.2 - Đặc điểm:

Có hai kiểu authorization cơ bản: Online Authorization và Offline Authorization

Online Authorization: Cho phép nhận thông báo ngay lập tức về số dư khả dụng của tài khoản thanh toán (cần có internet)

Offline Authorization: Không nhận được thông báo ngay lập tức về số dư khả dụng của tài khoản thanh toán (không có internet). Rủi ro hơn so với online authorization (có thể mất đến 5 ngày để nhận được xác thực của offline authorization). Vì vậy chỉ nên thực hiện giao dịch khi nhận được thông báo xác thực.

Ngoài ra còn có incremental authorization được sử dụng khi người dùng thêm các sản phẩm, dịch vụ vào giao dịch authorization ban đầu.

Ưu điểm:

Giúp việc thanh toán đơn hàng hay dịch vụ cho merchant được bảo đảm bởi vì ở bước này số tiền đã bị tạm giữ (hold) trong tài khoản khách hàng. Khi giao dịch thành công và trong quá trình xử lý để chuyển tiền về tài khoản merchant thì merchant có thể yên tâm giao hàng hoặc dịch vụ.

Đối với những giao dịch không biết trước được số tiền phải thanh toán. Ví dụ khách hàng vào cửa hàng có thể lựa chọn nhiều món đồ và thanh toán các lần khác nhau. Lúc này có thể tạo một giao dịch authorization (incremental authorization) và capture sau cùng.

Ngoài ra tại bước này số tiền trong tài khoản của khách hàng chỉ bị tạm giữ chứ chưa bị trừ thực tế. Vì vậy sẽ có lợi nếu khách hàng hủy đơn hàng và không phải chịu phí thanh toán.  

2.1.3 - Workflow:

Ảnh 1: Authorization workflow

B1: Người dùng thực hiện thanh toán

B2: Merchant gửi yêu cầu xác thực (authorization request) tới ngân hàng thanh toán (acquiring bank). 

B3. Ngân hàng thanh toán chuyển tiếp yêu cầu xác thực đến ngân hàng xử lý yêu 

B4: Ngân hàng xử lý yêu cầu chuyển tiếp tới ngân hàng phát hành thẻ

B5: Nếu số dư khả dụng, ngân hàng phát hành thẻ thực hiện giữ tạm thời số tiền thanh toán và trả về chấp nhận xác thực cho ngân hàng thanh toán. Nếu không sẽ trả về từ chối xác thực cho ngân hàng thanh toán.

B6: Ngân hàng thanh toán sẽ trả về thông báo cho merchant, merchant trả kết quả cho người dùng.

2.2 - Capture

2.2.1 - Khái niệm:

Là bước tiếp theo sau khi thực thiện authorization dùng để xác nhận và chuyển số tiền được tạm giữ trong tài khoản khách hàng từ bước authorization tới tài khoản của merchant

2.2.2 - Đặc điểm:

Thông thường sau khi thực hiện authorization giao dịch sẽ được "đánh dấu" bằng một requestId và để thực hiện capture một giao dịch đã được authorization chúng ta sẽ dựa vào requestId này.

Việc capture không được xử lý hoàn toàn realtime mà sẽ theo cơ chế gửi batch file tới ngân hàng xử lý giao dịch và được xử lý trong khoảng 2-4 ngày. 

Cụ thể hơn thì ngay sau khi merchant thực hiện capture một giao dịch họ sẽ ngay lập tức nhận được kết quả thành công hoặc thất bại. Nếu là thành công họ có thể yên tâm cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng chỉ là tiền chưa thực sự về tài khoản mà phải chờ xử lý rồi mới về sau. Nếu thất bại thì merchant có thể tạm thời ngừng cung cấp sản phẩm dịch vụ và kiểm tra lại kết quả từ phía ngân hàng trả về.

2.2.3 - Workflow:

Ảnh 2: Capture workflow

B1: Merchant gửi yêu cầu capture (batch file) tới ngân hàng thanh toán. 

B2: Ngân hàng thanh toán gửi các yêu cầu capture tới ngân hàng xử lý giao dịch (processor).

B3: Ngân hàng xử lý giao dịch chuyển tiếp các yêu cầu capture tới đúng ngân hàng phát hành thẻ của người dùng.

B4: Ngân hàng phát hành thẻ (issuer bank) thực hiện giao dịch và chuyển tiền cho ngân hàng thanh toán (acquiring bank)

2.3 - Authorization Reversal

2.3.1 - Khái niệm:

Authorization reversal là giao dịch được dùng để giải phóng số tiền tạm giữ trong tài khoản của khách hàng sau khi thực hiện authorization.

2.3.2 - Đặc điểm:

Mỗi ngân hàng phát hành thẻ có quy tắc (rule) riêng cho việc thực hiện authorization reversal thành công hay thất bại.

Nếu ngân hàng xử lý hỗ trợ ARAV (AuthorizationReversal After Void) thì có thể yêu cầu bỏ tạm giữ số tiền sau khi void (mục 2.4) một giao dịch capture. Nếu không thì authorization reversal chỉ được áp dụng trước khi các giao dịch được capture hay thanh toán (settled)    

2.3.3 - Workflow:

Ảnh 3: Authorization reversal workflow

B1: Khách hàng thực hiện thanh toán với merchant

B2: Merchant gửi yêu cầu bỏ tạm giữ tiền (authorization reversal) tới ngân hàng thanh toán

B3: Ngân hàng thanh toán chuyển tiếp yêu cầu xác thực tới ngân hàng xử lý 

B4: Ngân hàng xử lý sau khi xử lý tiếp tục chuyển tiếp yêu cầu xác thực tới ngân hàng phát hành thẻ của khách hàng 

B5: Ngân hàng phát hành thẻ kiểm tra thông tin và thực hiện bỏ giữ số tiền đã được authorization trước đó trong tài khoản khách hàng rồi trả kết quả cho ngân hàng xử lý nếu thành công. Nếu từ chối yêu cầu thì trả kết quả từ chối cho ngân hàng xử lý.

B6: Ngân hàng xử lý chuyển tiếp kết quả đó cho ngân hàng thanh toán 

B7: Ngân hàng thanh toán sẽ thông báo kết quả cho merchant

2.4 - Void

2.4.1 - Khái niệm:

Một giao dịch sau khi capture thường sẽ được gửi tới ngân hàng xử lý (processor) trong vòng 24 giờ để xử lý và chuyển tiếp tới ngân hàng phát hành thẻ. Trong khoảng thời gian 24 giờ này nếu giao dịch đó được hủy thì gọi là void transaction

2.4.2 - Đặc điểm:

Nhiều anh em hay nhầm lẫn giữa void và refund nhưng bản chất đây là hai loại giao dịch hoàn toàn khác nhau. Void được thực hiện trước khi giao dịch settled trong khi refund được thực hiện sau khi giao dịch settled.

Cụ thể hơn nếu void một giao dịch thì giao dịch đó sẽ không bị tính phí vì bản chất giao dịch chưa được xử lý (settled) và sau một vài ngày ở trạng thái authorization số tiền tạm giữ sẽ được bỏ tạm giữ khỏi tài khoản khách hàng như chưa hề có giao dịch nào.

Trong khi nếu thực hiện refund một giao dịch thì sẽ phải chịu thêm phí hoàn hủy vì giao dịch lúc này đã được xử lý thành công.

Sử dụng requestId được trả về từ giao dịch capture để biết giao dịch nào cần hủy trước khi được gửi tới ngân hàng xử lý

Void transaction một khi đã thực hiện thì không thể thực hiện lại.

Sau khi thực hiện void một giao dịch thì khoản tiền được giữ lại không được sử dụng. Nếu không capture lại được và ngân hàng phát hành hỗ trợ authorization reversal sau khi void một giao dịch thì nên thực hiện authorization reversal để bỏ tạm giữ số tiền không được sử dụng.

2.5 - Sale

2.5.1 - Khái niệm:

Sale là giao dịch kết hợp hai quá trình authorization và capture. Một vài ngân hàng xử lý giao dịch (processor) và ngân hàng phát hành yêu cầu sale transaction thay vì hai giao dịch authorization và capture riêng rẽ

Những giao dịch sale được gọi là giao dịch 1 bước (1step) còn những giao dịch bao gồm hai quá trình authorization và capture riêng rẽ gọi là giao dịch 2 bước (2step)

2.5.2 - Đặc điểm:

Có hai loại giao dịch sale: Dual Message Processing và Single Message Processing.

Dual Message Processing:

  • Là giao dịch hai bước tuần tự trong đó bước authorization được thực hiện trước sau khi thành công mới thực hiện bước capture.
  • Kết quả trả về sẽ bao gồm cả thông tin authorization và thông tin capture.
  • Nếu giao dịch bị từ chối từ bước authorization thì bước capture sẽ không được thực hiện và kết quả trả về chỉ có kết quả của bước authorization.

Single Message Processing:

  • Là giao dịch thực hiện authorization và capture độc lập
  • Nếu một trong hai quá trình authorization và capture thành công thì đều thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng tới merchant. Vì vậy một số chức năng không được phép sử dụng quy trình này.
  • Quá trình authorization và capture phải có cùng số tiền thanh toán (amount)

Đối với những mặt hàng hoặc dịch vụ mà nhà cung cấp có thể cung cấp ngay lập tức tới người mua hàng thì nên sử dụng sale transaction.

2.5.3 - Workflow:

Ảnh 4: Sale transaction workflow

B1: Khách hàng thực hiện thanh toán với merchant

B2: Merchant gửi yêu cầu xác thực tới ngân hàng thanh toán

B3: Ngân hàng thanh toán chuyển tiếp yêu cầu xác thực tới ngân hàng xử lý 

B4: Ngân hàng xử lý sau khi xử lý tiếp tục chuyển tiếp yêu cầu xác thực tới ngân hàng phát hành thẻ của khách hàng 

B5: Nếu đủ số dư ngân hàng phát hành thẻ thực gửi số tiền thanh toán tới ngân hàng thanh toán và trả về kết quả xác thực thành công cho ngân hàng xử lý. Nếu ngân hàng phát hành thẻ từ chối thì gửi về kết quả từ chối xác thực.

B6: Ngân hàng xử lý chuyển tiếp kết quả đó cho ngân hàng thanh toán 

B7: Ngân hàng thanh toán sẽ thông báo kết quả cho merchant, merchant thông báo kết quả cho khách hàng.

3. Phụ lục

Customer (khách hàng): Người sử dụng sản phẩm, dịch vụ

Merchant: Nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ (cửa hàng, đại lý, nhà hàng...)

Acquiring bank: Ngân hàng thanh toán

Processor: Thường là ngân hàng trung gian xử lý giao dịch vì những ngân hàng quốc tế khi họ phát thẻ và để đảm bảo họ sẽ chỉ hợp tác với một vài ngân hàng đại diện nội địa trong nước. Các ngân hàng đại diện này chính là processors.

Issuer bank: Là ngân hàng phát hành thẻ (Teckcombank, Vietcombank...)

4. Tham khảo

Tài liệu từ cybersource - một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế.

https://docs.cybersource.com/content/dam/new-documentation/documentation/en/credit-card/developer/amexbrighton/rest/credit-card-services-rest-amexbrighton.pdf

Mình thấy việc tìm hiểu về các kiến thức ngoài kỹ thuật một chút như thế này cũng khá là hay và giúp mình hiểu hơn về lĩnh vực fintech - một lĩnh vực đang rất tiền năng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Hẹn gặp lại anh em trong các bài viết tiếp theo nhé! Thanks all ❤️❤️❤️

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.