3/ Học IT “nhàn” hay “cực”?
Câu hỏi này mình sẽ trả lời ở hai khía cạnh. Thứ nhất, là việc học trong trường đại học. Thứ hai, là việc học những kiến thức bên ngoài.
Với ý thứ nhất, mình nghĩ nó phụ thuộc vào chương trình đào tạo của từng trường đại học. Ví dụ như bạn nào học Bách Khoa thì biết rồi, vào đã là khó nhưng ra được trường mà ra đúng hạn thì bạn phải cố gắng rất nhiều vì chương trình học của Bách Khoa khá là hàn lâm, nặng và khó. Không chỉ đòi hỏi bạn phải có năng lực mà còn phải chăm chỉ nữa. Ngược lại cũng có những trường đại học chương trình nhẹ, thiên về thực hành, ứng dụng thì các bạn cũng sẽ đỡ hơn trong việc học. Nói chung vẫn là do bạn có quyết tâm không thôi.
Với ý thứ hai, như các bạn biết thì kiến thức công nghệ là rất nhiều, cập nhật thường xuyên. Thậm chí trong các trường đại học bạn chỉ được học kiến thức nền. Kiến thức nền các bạn phải chắc nhưng để làm việc bạn phải học các kiến thức ở mức cao hơn, thực tế doanh nghiệp cần hơn.
Các công nghệ xung quanh ngôn ngữ lập trình Java
Thì đó là lúc các bạn phải tự tìm hiểu, tự học qua bạn bè, internet… Nếu bạn không chịu tự học, tự tìm hiểu thì sẽ không biết ngoài kia doanh nghiệp họ cần gì, yêu cầu như thế nào? Và khi ra trường với những kiến thức ở đại học bạn sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong thời gian đầu tìm việc.
Chung quy lại học IT sẽ “cực” nếu các bạn chịu khó học, tìm hiểu. Nhất là những thời kỳ cuối vừa phải học vừa phải đi thực tập, đi làm. Và tất nhiên rồi nếu bạn cứ rửng dưng thì học IT nói riêng và đại học nói chung nhàn lắm vì có ai quản lý bạn đâu.
4/ Học IT ra lương cao lắm?
Mức lương khởi điểm đối với các bạn sinh viên mới ra khá là cao.
Cái này chắc các bạn nghe báo chí nói nhiều rồi, nếu phải trả lời đúng hoặc sai thì mình cũng không biết phải trả lời như thế nào? Vì nó đúng trong trường hợp này, không đúng trong trường hợp khác và có nhiều ràng buộc khác nữa.
Trước tiên chúng ta phải khẳng định với nhau “lương” có lẽ là một trong những mối quan tâm hàng đầu khi ta chọn trường chọn ngành học (suy cho cùng thì học ra cũng là để đi làm, kiếm tiền với số đông mọi người).
Lương ngành IT cao? Các bạn cứ nghĩ đơn giản như thế này, cái gì khó mà ít ai làm được thì lương cao. Lương ngành IT cao cũng chính vì nó đòi hỏi người làm phải bỏ “chất xám” nhiều vào công việc.
Mình sẽ so sánh một chút như thế này xem các bạn thấy sao nhé. Bạn học IT mới ra trường lương tháng khoảng 9-10 triệu không tính OT (làm thêm giờ) và bạn của bạn thì không học gì cả, đi làm công nhân lương tháng khoảng 6-7 triệu. Cả hai đều làm 8 tiếng một ngày. Vậy ai lương cao hơn?
Nhiều người sẽ nghĩ bạn được lương cao hơn bạn của bạn. Đúng! Đứa trẻ lớp 3 nó cũng so sánh được 😊. Nhưng hãy phân tích kỹ hơn chút. Công sức bỏ ra cho công việc của bạn so với bạn của bạn có nhiều hơn không? Làm IT nói chung thường phải suy nghĩ nhiều, giải quyết vấn đề, công việc có thể lặp lại nhưng không vấn đề nào quá giống nhau.
Có những lúc không làm được thì căng thẳng thực sự vì trí não hoạt động mà. Còn bạn của bạn anh ta tuy lương ít nhưng công việc gần như lặp lại, thậm chí đi làm về lăn ra ngủ chẳng cần lo nghĩ. Bạn còn phải lo bao nhiêu thứ khi mà dự án không kịp tiến độ, chương trình viết còn lỗi…
Vậy nên đồng lương bạn nhận được nó cao vì nó xứng đáng với công sức bạn bỏ ra thôi. Không có chuyện việc nhàn lương cao đâu (có chăng chỉ là được ngồi điều hòa mát thôi) còn đâu cũng “mệt não” lắm đó.
Đây là lương của một blogger về lập trình (IT) nổi tiếng ở Việt Nam (toidicodedao.com)
Càng về sau thì mức lương của người làm IT tăng chậm hơn, tùy thuộc vào kinh nghiệm, vị trí và năng lực của bạn (ở đây mình đang nói đến những người theo hướng kỹ thuật). Nếu bạn cố gắng có thể nhận lương 40-50 triệu/tháng là chuyện bình thường. Tất cả phụ thuộc vào bạn, nhưng không phải ai cũng có thể đạt được mức lương đó sau 5-6 năm.
5/ Học IT ra trường dễ xin việc?
Từ “dễ” ở đây các bạn phải hiểu là cơ hội việc làm nhiều chứ không phải là ai cũng có thể dễ dàng xin việc sau khi học IT ra. Tại sao? Các bạn thử nghĩ xem, đây là ngành học đòi hỏi lượng “chất xám” cao và nhiều kỹ năng khác.
Nếu trong 4-5 năm học đại học bạn không chịu chủ động tìm tòi học hỏi thì đảm bảo những kiến thức, kinh nghiệm bạn tích lũy được sẽ không đủ để nhà tuyển dụng “để ý” đến bạn. Một lẽ đơn giản các công ty họ tuyển bạn vì hai lý do. Thứ nhất là bạn có kinh nghiệm và có thể làm được việc. Thứ hai, nếu bạn chưa có kinh nghiệm nhưng có tố chất, có tiềm năng thì họ cũng sẵn sàng đào tạo bạn.
Cuối cùng vẫn là một cuộc chơi win-win, bạn bỏ chất xám đóng góp cho công ty và công ty trả lương cho bạn. Không có chuyện công ty thuê một người vừa không biết gì vừa không có chí tiến thủ, không chịu học hỏi.
Vậy nên kết luận ở đây mình mong các bạn hiểu chuyện “dễ xin việc” trong ngành IT là đúng vì cơ hội nhiều nhưng phụ thuộc vào chất lượng nữa. Nghĩa là người học thì nhiều nhưng người làm được việc chẳng được bao nhiêu.
Đó là một cuộc chiến, các bạn buộc phải trang bị và cố gắng nhiều trong 4-5 năm đại học. Hãy nhớ rằng vào được đại học hầu hết các bạn đều có năng lưc nên chỉ cần cố gắng và chăm chỉ hơn thôi.
Kết Luận: Dù bạn học bất cứ ngành học nào không chỉ riêng ngành IT thì nhân tố hàng đầu giúp bạn thành công vẫn luôn là chính bạn. Chẳng qua là bước vào thời đại số, sự bùng nổ về công nghệ đã khiến cho ngành IT trở nên phổ biến hơn, nhiều cơ hội hơn. Nhưng song song với đó cũng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng hơn, phù hợp với đặc thù công việc đòi hỏi lượng chất xám cao. Nếu được chọn bạn cứ chọn học IT đi, tuy có vất vả nhưng cũng thú vị lắm đó. Chúc các bạn có những chọn lựa đúng.
Không có nhận xét nào: