Header Ads

Seo Services
 
Câu chuyện mở đầu:

Một sinh viên IT ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh tại một công ty công nghệ. Cậu ta tin với vốn kiến thức của mình thì chắc chắn sẽ được nhận vào thực tập.

Nhưng không, mặc dù kiến thức nền khá chắc nhưng cậu ta vẫn không được nhận. Các bạn có biết nguyên nhân vì sao không?

Nếu không biết thì mình sẽ kể các bạn nghe câu chuyện phỏng vấn của cậu sinh viên đó.

Thường một công ty có quy trình tuyển dụng “chuẩn” sẽ có nhiều bước để đánh giá ứng viên ở nhiều mặt. Nhưng ở Việt Nam hầu hết các buổi phỏng vấn được tích hợp phỏng vấn cả về chuyên môn, thái độ, và tìm hiểu xem có phù hợp với văn hóa công ty thì mới tiến tới ký hợp đồng.

Quay lại câu chuyện của cậu sinh viên, phần phỏng vấn về kỹ thuật diễn ra suôn sẻ. Nhưng trong phần kiểm tra về thái độ cậu đã không thể hiện được thái độ nghiêm túc với công việc chỉ qua hai câu hỏi của PM (Project Manager – người quản lý dự án) bên phía công ty.

Câu hỏi đầu tiên: “Em có biết công ty đang phát triển hệ thống với công nghệ gì không và công ty có dự định gì cho tương lai không?”

Cậu sinh viên chỉ biết gãi đầu cười rồi lắc đầu và trả lời “Dạ, em không biết. Tại em tưởng phỏng vấn vào vị trí thực tập thì chỉ hỏi kiến thức cơ bản, sau vào mới được training sau ạ.”


     PM phía công ty cười, khẽ gật đầu rồi tiếp tục hỏi câu thứ hai: “Thế nếu được nhận em dự định học công nghệ mới trong bao lâu? Vì em nói là em chưa biết gì về nó nên chị muốn hỏi xem thế nào?”

         Cậu sinh viên lại gãi đầu rồi trả lời một cách ấp úng: “Dạ em cũng không biết, chắc khoảng hai tháng chị ạ. Vì em còn bận đi học nữa, với lại em cũng muốn ứng tuyển để thử xem nó như thế nào.”

     Đến đây chắc các bạn phần nào đã đoán được nguyên nhân tại sao cậu sinh viên kia lại không được nhận mặc dù kiến thức thì có.

    Chỉ qua hai câu hỏi đơn giản như vậy nhà tuyển dụng có thể biết được thái độ của cậu sinh viên kia là chưa thực sự nghiêm túc với công việc. Vì sao?

    Vì việc tìm hiểu trước về công ty là một yêu cầu tối thiểu (đặc biệt là cho các bạn thực tập sinh) muốn ứng tuyển vào công ty nào đó. Phải nắm được những thông tin cơ bản nhất.

    Thực ra đây là bài học của chính bản thân mình, cũng là bài học xương máu mà từ đó mình mới hiểu thế nào là “Thái độ HƠN trình độ”.

    Vậy làm sao để có THÁI ĐỘ TỐT?

     Trước tiên mình muốn các bạn hiểu rằng thái độ còn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác chứ không phải chỉ như trong câu chuyện mình chia sẻ bên trên.

     Trong thực tế chúng ta có thể nói là “Thái độ cầu tiến”, “Thái độ tích cực”, “Thái độ kiên trì”, “Thái độ khiêm tốn” … Có rất nhiều nhưng trong bài viết này mình đang muốn đề cập tới một loại thái độ có thể gọi là “THÁI ĐỘ NGHIÊM TÚC”.

     Không phải là nghiêm túc kiểu người ta hay gọi là “Thanh niên nghiêm túc”. Chỉ đơn giản là những cách cư xử, cách hành xử nghiêm túc với công việc và cuộc sống từ đó thể hiện bạn là một người có trách nhiệm.

     OK, và sau đây là một vài chia sẻ cũng như là kinh nghiệm của mình.

Trong công việc và học tập:


    1.    Rèn luyện tính chủ động:

Chủ động thực sự là một trong những cách tốt nhất để bạn tạo thái độ nghiêm túc trong công việc và học tập.

Như câu chuyện bên trên của mình. Nếu biết cách chủ động tìm hiểu trước về công ty có lẽ mình đã trúng tuyển.

Chủ động giúp chúng ta biết được mình phải làm gì, mình đang làm gì và phải làm như thế cho tốt. Nó giống như một sự chuẩn bị mà chuẩn bị đôi khi chính là thái độ - thái độ có nghiêm túc với việc mình làm thì mới chuẩn bị nó thật kỹ.

2.    Biết sai mà sửa


Sai lầm là những điều chẳng thể tránh khỏi đặc biệt là ở cái tuổi chập chững vào đời. Quan trọng là thái độ chúng ta đối mặt với sai lầm đó.

Người ta thường nói ngã đâu đứng lên ở đó. Mình tin chắc các bạn cũng đã từng vấp ngã và sẽ có hai luồng thái độ. Hoặc là phó mặc (đặc biệt là khi ngã nhiều quá) hoặc là kiên trì bước tiếp.

Thực ra đó là tâm lý chung, không phải ai cũng có đủ bản lĩnh đối diện với quá nhiều thất bại nhưng hãy rèn luyện nó bằng cách suy nghĩ tích cực lên.

Ví dụ như mình khi trượt buổi phỏng vấn đó mình cũng buồn lắm chứ, cứ trách mình rằng sao không chuẩn bị tốt hơn. Nhưng nếu không ngã làm sao mình có được bài học quý giá đó. Để rồi mình biết phải luôn thật nghiêm túc với công việc mình đang làm.

 Làm được hai điều đó có nghĩa chúng ta đang có một thái độ tốt với những     gì chúng ta đang làm.


     Trong cuộc sống:

Cuộc sống có lẽ sẽ có nhiều điều phải học hơn. Mình cũng chẳng thể nói là có đủ kinh nghiệm hay trải nghiệm để mà chia sẻ với các bạn.

Thái độ với cuộc sống tích cực thì thái độ trong công việc và học tập mới tích cực vì học tập hay công việc cũng chỉ là một phần của cuộc sống.

Để rèn luyện và nuôi dưỡng một thái độ sống tốt thì mình nghĩ “chủ động” và “biết sửa sai” vẫn là hai yếu tố quan trọng nhất.

Ngoài ra mình nghĩ vẫn còn hai yếu tố chúng ta nên rèn luyện nữa đó là:

        3.    Tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác.                

    

         Bẩm sinh ai cũng có “cái tôi” cao ngất ngưởng. Làm sao để vẫn hài hòa giữa       cái tôi đó và mọi người xung quanh.

Không hề dễ! Mình lấy ví dụ nhiều người mình quen là những người giỏi, rất giỏi ban đầu thường rất kiêu ngạo, luôn cho mình số một. Nhưng trải qua nhiều biến cố họ biết nhìn lại và hạ cái tôi xuống để trở thành một người có thái độ rất đáng nể.

Ngược lại cũng có những người luôn tự ti về bản thân mình, không dám thể hiện, thường bị mọi người chê cười… Để lấy lại tự tin cũng khó và cũng cần những biến cố.

Tóm lại là hãy học cách tôn trọng chính mình, hạ cái tôi xuống, tự tin thể hiện mình và đồng thời tôn trọng mọi người xung quanh. Một người có thái độ như vậy mình chắc chắn đó là một người từng trải.

        4.    Rèn luyện


Tại sao điều cuối cùng mình muốn nhắn nhủ với các bạn lại là “rèn luyện”? Chẳng ai dám bảo tôi sai một lần là đủ, chẳng ai dám bảo tôi chủ động hôm nay nghĩa là tôi chủ động cả đời.

Một thái độ (thái độ sống) tốt là kết quả của cả một quá trình sai -> sửa -> rút kinh nghiệm -> rèn luyện.

Chẳng ai mới sinh ra đã thắng được cái “bản năng” của mình. Vì vậy hãy rèn luyện mỗi ngày để chúng ta đón nhận, nhìn nhận cuộc sống này bằng một thái độ tốt nhất.

Kết Luận:

       Nếu cuộc sống này giống như “một chiếc khóa” thì “thái độ sống tốt” giống như chiếc chìa khóa giúp chúng ta mở ổ khóa một cách dễ dàng     thay vì phải dùng dao hay búa phá nát để mở.

        Các bạn nghĩ sao về chủ đề này, hoặc những bạn có kinh nghiệm, từng trải thì hãy chia sẻ cùng mọi người nhé. Hẹn gặp các bạn trong các bài viết tiếp theo.

 

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.