Header Ads

Seo Services

Hế lô 500 anh em!

Lâu lâu mới lại viết một bài chia sẻ kinh nghiệm, thực ra thì mình cũng không phải là người đã đi làm lâu năm hay có quá nhiều kinh nghiệm.

Những gì mình chia sẻ chủ yếu dựa trên những trải nghiệm mà mình có được trong suốt quá trình mình đi làm và học tập. Vậy nên đây hoàn toàn là ý kiến chủ quan của mình, nếu các bạn thấy không đúng hay không phù hợp thì cứ bình luận để chúng ta cùng xây dựng bài viết nhé!

Chủ đề hôm này mình muốn trao đổi đó là "Sinh viên IT có nên đi thực tập sớm hay không?". Mình tin là rất nhiều anh em khi còn đi học đều đã từng phân vân với câu hỏi này.

Vậy sinh viên IT có nên đi thực tập sớm hay không? Câu trả lời của mình là và tại sao lại như vậy thì mình có thể đưa ra 5 "lý do" sau đây.

#1. Trau dồi kinh nghiệm thực tế

Học phải đi đôi với hành là bài học mà ông cha ta đã đúc kết từ ngàn đời nay. Đối với ngành IT thì điều này lại càng chính xác.

Như mình được biết thì hầu như chương trình của các trường đại học thường khá cũ, chủ yếu là kiến thức cơ bản. Nhưng hiện tại doanh nghiệp họ không chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản nữa. Tức là bạn không những phải nắm chắc cơ bản mà còn phải có kinh nghiệm thực tế mới đáp ứng được yêu cầu.

Nếu không đi thực tập sớm thì khi ra trường bạn sẽ chịu áp lực rất lớn vì ra trường rồi các bạn sẽ không còn “được” nhìn nhận như là một thực tập sinh nữa.

Ví dụ bạn sẽ chỉ có 1-2 ngày làm quen dự án rồi phải làm thực tế luôn. Thử hỏi nếu chưa đi làm bao giờ bạn có thích ứng được nhanh như vậy không.

Và tất nhiên rồi, không đáp ứng được công việc bạn sẽ rơi vào trạng thái chán nản rồi nghỉ việc…

Chính vì vậy đi thực tập sớm khi còn đi học giống như bạn được rèn luyện trong sự ưu tiên và khi đó bạn sẽ có đủ thời gian để làm quen với công việc và dần tiến bộ.

#2. Rèn luyện kỹ năng sắp xếp công việc

Vừa đi làm vừa học có lúc mình thấy stress cực, nhất là vào thời gian vừa thi cử trên trường lại vừa chạy deadline trên công ty.

Nhưng mà có rèn luyện như thế sau này vứt đâu cũng sống được và tất nhiên nếu bạn biết cách quản lý, sắp xếp công việc thì cũng không mấy là khó khăn đâu.

Mình để ý vài người bạn của mình không đi làm thêm họ thường nghỉ ở nhà, online facebook chơi game cả ngày.

Mình không có ý chê trách gì vì mỗi người một quan điểm nhưng việc để thời gian trôi qua vô ích như vậy thì sau này có muốn các bạn cũng chẳng mua lại được.

Tự đẩy mình vào áp lực bắt buộc bạn phải nghĩ ra cách để cân bằng còn không nếu không tự cân bằng được thì chắc chắn đến một lúc bạn sẽ cảm thấy mất phương hướng.

Tất cả mới chỉ là bắt đầu, sau này còn rất nhiều việc sảy đến một lúc và bạn nên học cách sắp xếp công việc này ngay từ bây giờ.

#3. Để không bị "ngợp" khi ra trường

Mình đã đề cập ý này trong lý do đầu tiên, ở đây mình muốn nói rõ hơn để các bạn hình dung được thế nào là "ngợp".

Ngợp là khi bạn thấy làm thực tế quá khác so với những gì bạn được học, khi không thích nghi được bạn chán nản thì đó là ngợp.

Trong ngành IT thì đây là chuyện bình thường vì đôi khi cái bạn được học với cái bạn làm nó chẳng mấy liên quan đến nhau.

Ra trường với vị thế là một kỹ sư, cử nhân công nghệ, người ta trả cho bạn cả ngàn đô để bạn nhanh chóng đem lại lợi nhuận cho công ty chứ không phải để bạn ngồi học tiếp.

Mà nếu khả năng thích nghi, khả năng học hỏi của bạn không tốt thì chắc chắn bạn sẽ khó mà đáp ứng được công việc.

Để tránh tình trạng đó thì chỉ còn cách bạn nên đi thực tập sớm, vì khi thực tập là lúc bạn còn đặc quyền của sự chuẩn bị, bạn được cho thời gian nhiều hơn để thích nghi với công việc.

Và sự chuẩn bị đó là hành trang hoàn hảo cho sự thích nghi của bạn khi ra trường với những đòi hỏi cao hơn của thị trường ngày càng khó tính.

#4. Tạo mối quan hệ

Bạn học gì thì bạn cũng phải giao tiếp và làm việc với người khác, trừ những công việc đặc thù mình thì mình không nói. Còn đối với ngành IT thì rất khó để bạn làm việc một mình được.

Ngành IT này cũng không phải bạn cứ suốt ngày ôm cái máy, bạn còn đồng nghiệp, bạn bè, cấp trên… Thực tập sớm giúp bạn quen biết được nhiều người hơn, mở rộng quan hệ của bạn ra ngoài khuôn khổ của lớp học, trường học.

Và thực tế hầu như những công việc mình làm đều được bạn bè mình quen khi đi làm giới thiệu chứ mình rất ít khi phải tự đi ứng tuyển.

Việc tạo quan hệ còn tạo tiền đề sau này khi bạn mở công ty hay lập nhóm làm ăn chẳng hạn thì đó là những người có thể tin tưởng để hợp tác cùng.

Người ta nói ngành IT quan trọng nhất là năng lực, đúng! Nhưng bạn phải nhớ rằng năng lực cộng với quan hệ thì bạn sẽ lên nhanh hơn rất nhiều đó.

#5. Có thêm thu nhập

Tất nhiên rồi, sinh viên có ai mà không thích có tiền. Mình còn nhớ thời gian đầu đi thực tập được hỗ trợ 2.3 triệu một tháng mà mình vui lắm rồi.

Hồi đó là cuối năm 3, mình nghĩ đi thực tập để lấy kinh nghiệm thôi ai ngờ làm được việc thế là sau 1 tháng công ty quyết định hỗ trợ như vậy.

Thông thường các công ty hiện nay đều hỗ trợ sinh viên nhưng tùy năng lực họ sẽ hỗ trợ khác nhau. Nhưng vì chưa ra trường, chưa làm fulltime được nên họ không thể trả cho bạn mức lương quá cao (trừ khi bạn thực sự giỏi)

Mình nghĩ nếu các bạn tìm được một vị trí thực tập bạn nên hỏi rõ về khoản trợ cấp. Nếu họ không hỗ trợ thì hoặc là bạn chưa đem lại giá trị gì cho công ty hoặc công ty đang trong giai đoạn phát triển chưa có kinh phí.

Dẫu biết thu nhập từ vị trí thực tập sinh sẽ không được nhiều, chủ yếu là bạn học được gì nhưng nếu có thì đó sẽ động lực để bạn làm việc. Vì vậy bạn nên cân nhắc điều này nhé.

#Lời kết

Với 5 "lý do" mình đưa ra bên trên hi vọng phần nào giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về cầu hỏi mình đặt ra ban đầu.

Lựa chọn thì vẫn phụ thuộc vào bạn thôi, bất cứ sự rèn luyện nào cũng đều có giá trị của nó. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nha!

Thanks all ❤️❤️❤️

2 nhận xét:

Được tạo bởi Blogger.