Header Ads

Seo Services

Hế lô anh em, làm trong giới lập trình thì mình tin chắc đã có không ít hơn một lần anh em nghe kể về những người có mức lương khủng.

Trong bài viết hôm nay mình sẽ cùng anh em phân tích một số khía cạnh để trả lời cho câu hỏi:"Liệu có phải lương lập trình viên cao và có thể lên tới hàng trăm triệu một tháng tháng không?".

Và tất nhiên mình chỉ chia sẻ trong ngành IT và đặc biệt là với các bạn làm thuần về kĩ thuật, các ngành khác có thể có mức thu nhập cao hơn hoặc thấp hơn!

1. Đặc thù công việc

Mình biết là mỗi ngành nghề thì đều sẽ có những đặc thù riêng và đặc thù đó quyết định ít nhiều tính chất của công việc chúng ta làm.

Đối với ngành IT và cụ thể hơn là với vai trò các lập trình viên thì đặc thù công việc chính là sự tư duy. Tư duy trong việc giải quyết vấn đề, tư duy trong việc phát triển sản phẩm (phần mềm, ứng dụng...)

Công việc đòi hỏi suy nghĩ nhiều, mặc dù không nặng về chân tay nhưng nhiều khi mình tin là anh em lập trình viên cảm thấy cực kỳ mệt mỏi và áp lực. Điều đó dẫn đến không phải ai cũng có thể theo đuổi ngành này về lâu dài.

Và chính vì đặc thù đó để đào tạo cũng như tuyển được một lập trình viên “cứng”, làm được việc không phải là dễ dàng. Khái niệm OT (Overtime) gần như cũng được xuất phát từ các công ty công nghệ khi khối lượng công việc quá nhiều dẫn đến phải làm thêm giờ mới xong và kịp tiến độ.

Đặc thù công việc áp lực như vậy thử hỏi nếu mức lương không tương xứng thì liệu có ai chấp nhận đánh đổi để làm. Và đôi khi thực tế là các bạn thậm chí sẽ phải làm nhiều hơn cả đồng lương bạn nhận lại tại một số thời điểm nhất định.

Đây là sự thật nhưng có lẽ chỉ khi nào các bạn bước chân vào ngành này, có một vài năm trong nghề thì mới có thể cảm nhận được rõ ràng nhất. 

2. Áp lực

Áp lực thì liên quan gì đến việc lương cao hay thấp? Cá nhân mình thấy thì hầu như những công việc với mức thu nhập "ổn" thì đều áp lực cả.

Làm IT cũng tùy dự án, tùy công ty mà áp lực công việc cao hay thấp. Nhưng có một điều chắc chắn là nếu bạn làm IT mà chịu được áp lực thì khi đó mức lương của bạn không hề thấp.

Tại sao mình lại có sự so sánh như vậy vì thực tế nhiều người chịu được áp lực nhưng lương đâu có cao đâu? Nói đến đây mình lại phải chia làm 2 đối tượng đó là người chịu được áp lực và người phải chịu áp lực.

Người chịu được áp lực là người biết biến áp lực công việc thành động lực, biết biến khó khăn thành cơ hội để tự nâng cao giá trị bản thân.

Ngược lại người phải chịu áp lực là những người làm các công việc bản thân không mấy yêu thích những vẫn phải làm. Một phần vì cuộc sống mưu sinh khiến họ bắt buộc phải làm để có thu nhập. Ngoài ra một phần khác họ cũng "quen" và đôi khi “thờ ơ” với những áp lực đó.

Mình đã gặp khá nhiều lập trình viên rơi vào trường hợp như này, họ thường là những người đã làm được 3-5 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Có thể do năng lực, có thể do hoàn cảnh (dự án, công ty, đồng nghiệp...) nên họ cảm thấy chán nhưng vẫn phải làm.

Nhóm này thường lương sẽ không cao hoặc sẽ rất lâu được tăng lương thậm chí là không được tăng và chúng ta thường thấy họ nhảy việc liên tục.

Và tất nhiên nhóm lập trình viên là những người chịu được áp lực thì chắc chắn sẽ có mức lương tương xứng với trí tuệ và công sức mà người ta bỏ ra.

3. Xu hướng và nhu cầu thị trường

Nếu các bạn để ý thì trong những năm trở lại đây do tác động của của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kèm theo đó là sự "thổi phồng" của báo chí thì các ngành học liên quan đến kỹ thuật, công nghệ đang rất được quan tâm.

Điển hình nhất là việc rất nhiều trường đại học dù có lịch sử không chuyên về kỹ thuật cũng mở các khoa đào tạo nhân lực ngành Công nghệ thông tin.

Song song với đó là số lượng các công việc liên quan đến các lĩnh vực này cũng tăng lên rất nhiều và đòi hỏi đội ngũ nhân lực đủ tiêu chuẩn để đáp ứng được số lượng công việc đó.

Chúng ta có thể liên hệ một chút sang thị trường hàng hóa. Nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn dưới góc độ kinh tế thì sức lao động cũng là một dạng hàng hóa.

Mà đã là hàng hóa thì chắc chắn phải trao đổi, bán được và nếu loại hàng hóa đó càng quý hiếm, càng khó để có được thì nó càng đắt.

Đến đây chắc các bạn có thể hình dung được là tại sao lương của lập trình viên thường cao hơn một số ngành khác rồi chứ!

Đặc biệt là các bạn sinh viên có khả năng kỹ thuật tốt thì việc đạt mức lương 20-25 triệu/tháng khi mới ra trường là hoàn toàn có thể chứ chưa nói là có nhiều bạn giỏi đặc biệt thì con số này còn cao hơn rất nhiều.

Có thể nói lương của lập trình viên nói riêng và của các bạn làm về công nghệ nói chung cao một phần cũng phần do ảnh hưởng của xu hướng thị trường việc làm.

4. Chất lượng nhân sự

Chất lượng nhân sự ở Việt Nam nói chung và trong ngành IT nói riêng vẫn đang là một vấn đề khá đau đầu với nhà tuyển dụng. Vậy chất lượng nhân sự ảnh hưởng gì tới thu nhập của một người làm công nghệ, mà đại diện ở đây là các lập trình viên?

Thực tế Việt Nam xuất phát điểm là một quốc gia hàng đầu về Outsourcing, tức là một quốc gia chuyên đi “gia công phần mềm” cho các khách hàng từ nước ngoài (đặc biệt là thị trường Nhật)

Chúng ta sẽ không đánh giá việc gia công phần mềm là nên hay không nên, tốt hay không tốt khi muốn thúc đẩy sự phát triển công nghệ của nước nhà.

Nhưng có một sự thật chúng ta phải thừa nhận đó là hiện nay hầu hết các bạn sinh viên được đào tạo dù là cấp đại học hay cao đẳng thì các bạn vẫn mang cái tư duy đi làm thuê nhiều hơn là làm chủ.

Nhiều người sẽ nói rằng không làm thợ làm sao làm thầy được, cầm đèn chạy trước oto à! Mình không phủ nhận quan điểm đó nhưng chúng ta phải hiểu được về lâu dài chất lượng xuất phát từ tư duy.

Nếu ngay từ ban đầu chúng ta cứ nghĩ học IT, học Công nghệ thông tin ra rồi đi làm thuê cho nước ngoài, không cần học gì đâu, làm theo là được thì làm sao nâng cao chất lượng lao động được!

Và cũng chính tư duy đó sinh ra hệ lụy là chất lượng nhân sự không đồng đều. Nếu các bạn để ý nhiều bạn sinh viên mới ra trường làm mức lương rất thấp, ngược lại có bạn lại rất cao.

Tóm lại chất lượng nhân sự trong lĩnh vực công nghệ khá là chênh lệch tại Việt Nam. Có những người rất giỏi với mức lương cực “khủng” nhưng cũng có những người mức lương chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt là hết.

5. Kết luận

Kết thúc bài viết này mình muốn khẳng định là nếu bạn là một lập trình viên bình thường, đặc biệt là lại chỉ làm việc ở Việt Nam thì rất khó mà đạt được mức lương hàng trăm triệu/tháng.

Nhưng ngược lại nếu bạn có khả năng kỹ thuật tốt, là người giỏi chịu được áp lực và ham học hỏi thì mình tin chắc các bạn cũng có cơ hội với mức lương hàng trăm triệu/tháng. Tất nhiên điều này đòi hỏi bạn phải có tích lũy khá nhiều (từ kiến thức, kinh nghiệm và cả kỹ năng nữa...)

Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo nhé. 

NOTHING IS IMPOSSIBLE!

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.