Header Ads

Seo Services

 


Nội Dung
1. Nên đi thực tập khi nào?
2. Chọn doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ?
3. Chủ động học, chủ động hỏi, rèn sự kiên trì, lì lợm.
4. Cân bằng thời gian học và làm.
5. Đừng quá đặt năng vấn đề lương hay trợ cấp.

Lời mở đầu.

Trong bài viết này mình muốn chia sẻ với các bạn đôi chút về kinh nghiệm thực tập của cá nhân mình.

Vì mình học IT nên những chia sẻ của mình chủ yếu nói về vị trí thực tập sinh tại các công ty công nghệ.

Các bạn học ngành khác cũng có thể tham khảo vì những gì mình chia sẻ cũng là những điều rất chung, không chỉ các bạn học IT mới áp dụng được.

Và tất nhiên rồi, đã là kinh nghiệm thì nó mang tính cá nhân nên không thể nào đúng với tất cả mọi người.

Vì vậy mình hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn có thêm những góc nhìn hoặc là những lời khuyên để các bạn chuẩn bị tốt hơn cho chính mình.

1. Nên đi thực tập khi nào?

     Thực ra không ai quy định điều này cả. Tùy thuộc vào năng lực và hiểu biết mà bạn có thể có thể tham gia thực tập sớm hay muộn. Ngày nay việc tiếp cận với các kiến thức công nghệ không chỉ giới hạn ở trong các trường đại học, cao đẳng. Bạn có thể học ở bất cứ đâu, miễn là bạn đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng thì bạn hoàn toàn có cơ hội trúng tuyển.


Quay lại với câu hỏi “Nên đi thực tập khi nào?”. Ở đây mình sẽ tập trung vào đối tượng là các bạn sinh viên đại học, cao đẳng. Thông thường chương trình đại học kéo dài khoảng 4-5 năm, cao đẳng có thể khoảng 2.5-3 năm. 

Với các bạn sinh viên thì cuối năm 3 là thời điểm thích hợp nhất để tìm một vị trí thực tập. Tại sao?

Cũng đơn giản thôi, vì sau 3 năm học ít nhiều bạn cũng tích lũy được kinh nghiệm về chuyên môn, cũng sắp ra trường và đặc biệt là thời gian học trên trường cũng có phần ít hơn so với những năm đầu.

Theo mình các bạn không nên đi thực tập quá sớm vì có thể rơi vào tình trạng chán học, bỏ học để đi làm. Hai nữa những năm đầu thường học khá nhiều, kiến thức của các bạn cũng chưa nhiều dễ dẫn đến tình trạng quá tải nếu vừa học vừa làm.

Thực tập thực sự là một cơ hội cũng như khoảng thời gian mà các bạn nên tận dụng để tích lũy kinh nghiệm thực tế, tạo tiền đề để khi ra trường các bạn không bị bỡ ngỡ, không bị rơi vào tình trạng thất nghiệp vì không làm được việc.

Kết luận, mình khuyên các bạn nên đi thực tập, không cần quá sớm (khoảng cuối năm 3 hoặc giữa năm 4) là hợp lý. Vừa để tích lũy kinh nghiệm vừa để quen với môi trường doanh nghiệp.

2. Nên chọn doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ.

Với các ngành học khác mình cũng không rõ nên mình xin phép chỉ chia sẻ với các bạn trong ngành IT.

Trước khi đưa ra lựa chọn mình muốn các bạn đặt câu hỏi chút. Doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ thì khác nhau như thế nào?


Thực ra có rất nhiều điểm khác nhau nhưng mình muốn đề cập đến hai khác biệt lớn nhất đó là quy trình làm việc và công việc phải làm.

Doanh nghiệp lớn thường sẽ có quy trình rõ ràng. Các công việc được phân chia rõ ràng xuống từng phòng bạn. Nếu làm việc cho doanh nghiệp lớn bạn thường chỉ làm một phần trong quy trình làm ra sản phẩm. Nếu làm lâu năm bạn thường có chuyên môn cao tại một vị trí nào đó.

Ngược lại doanh nghiệp nhỏ tuy cũng có quy trình làm việc nhưng do vấn đề về tài chính và nhân lực không thể được như các doanh nghiệp lớn nên bạn thường phải đảm đương nhiều công việc một lúc.

Vậy nên chọn doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ? Để trả lời câu hỏi này thì các bạn hãy quay lại hỏi xem mục đích các bạn đi thực tập là để làm gì?

Nếu các bạn muốn làm nhiều, biết nhiều chịu được áp lực và luôn sẵn sàng thay đổi, học hỏi thì chọn doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phù hợp.

Còn nếu bạn muốn tìm một vị trí để trau dồi chuyên môn thật vững, ổn định thì có thể xem xét chọn một doanh nghiệp lớn.

3. Chủ động học, chủ động hỏi, rèn sự kiên trì, lì lợm.

“Thực tập không phải là cầm tay chỉ việc”. Các bạn buộc phải lưu ý điều này, nếu các bạn trông chờ việc được nhận vào thực tập và được dạy, đào tạo từ a-z thì hãy bỏ ngay cái suy nghĩ đó đi nha.


Có một thực tế là có rất ít doanh nghiệp tuyển thực tập sinh và duy trì hẳn một đội ngũ để đào tạo. Vì sao vậy?

Đơn giản thôi, lợi nhuận và doanh thu là những gì mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng hướng đến. Họ sẽ không phân bổ nhân lực quá nhiều cho việc đào tạo mà sẽ tập trung nhân lực vào việc tạo ra doanh thu.

Nói vậy không có nghĩa là các bạn thực tập sinh không được đào tạo mà là được đào tạo theo hướng tự đào tạo, tự học. Gặp khó khăn các bạn sẽ được sẽ được mọi người hỗ trợ chứ không phải là được cầm tay chỉ việc.

Vì vậy khi tham gia thực tập các bạn phải chủ động, tự học nhiều hơn. Kiên trì hơn vì công việc đôi khi không dễ dàng đâu. Lì lợm hơn vì đôi khi các bạn sẽ gặp phải những vấn đề khó hoặc gặp phải những đồng nghiệp, cấp trên khó tính…

4. Cân bằng thời gian học và làm.

Cần bằng thời gian học và làm sẽ là một bài toán đau đầu mà các bạn phải giải quyết nếu muốn việc học và thực tập đều có kết quả tốt.

Một trong những cách làm mà mình thấy hiệu quả đó là các bạn nên tạo ra các kế hoạch trong ngày, trong tuần thậm chí là trong tháng. Vì khi vừa học vừa làm khối lượng công việc tăng lên nếu không có kế hoạch sẽ rất khó kiểm soát.


Có một tip mà mình hay áp dụng đó là phân chia rõ ràng công việc và học tập. Ví dụ như lên công ty mình sẽ cố gắng hoàn thành công việc trên công ty, về nhà mình sẽ tập trung giải quyết các công việc học tập.

Các bạn cũng nên để cho mình những deadline và ép mình phải hoàn thành nó. Tất nhiên lúc đầu các bạn sẽ bị lỡ nhiều và đôi khi chán nhưng hãy kiên trì dần dần các bạn làm được thôi.

Thực sự mà nói nhiều khi cũng không thể tránh khỏi việc một trong hai sẽ lấn át việc còn lại. Những lúc đó các bạn phải biết ưu tiên việc nào quan trọng hơn để hoàn thành. 

Hãy nhớ, cân bằng thời gian rất khó nhưng vượt qua được, làm chủ được việc quản lý thời gian bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.

5. Đừng quá đặt nặng vấn đề lương hay trợ cấp.

Thông thường các công ty, doanh nghiệp đều hỗ trợ lương, trợ cấp cho thực tập sinh. Nhiều hay ít tùy thuộc vào từng công ty, vị trí thực tập và khả năng của các bạn thực tập sinh.

Nếu các bạn làm ở các công ty lớn thì trợ cấp thường cao hơn do tài chính của các công ty lớn thường chủ động hơn các công ty nhỏ.


Còn nếu các bạn làm tại các công ty nhỏ đặc biệt là các công ty mới thành lập thì thường lương sẽ thấp hoặc thậm chí là không có lương do tài chính của công ty chưa có.

Cá nhân mình khuyên các bạn đừng đặt nặng vấn đề tiền lương trong giai đoạn này mà hãy xem là nếu làm ở doanh nghiệp đó bạn sẽ học được gì, làm việc ở đó có giúp các bạn giỏi hơn không, mở mang hơn không? Hay chỉ đơn giản là làm việc ở đó bạn thấy thoải mái không?

Thời gian là những gì rất đáng quý khi các bạn tham gia thực tập. Đừng vì vài ba đồng tiền lương mà chọn một công việc nhàn hạ, chẳng giúp bạn học hỏi được gì. Để khi nhìn lại bạn lại tiếc rằng mình đã lãng phí từng đó thời gian, lẽ ra mình đã học được nhiều hơn!

Kết Luận: Hi vọng với những gì mình chia sẻ có thể giúp các bạn có cái nhìn rõ ràng hơn khi có dự định ứng tuyển vào các vị trí thực tập sinh. Tất nhiên là còn nhiều điều nữa mình sẽ chia sẻ trong những bài viết khác. Nhưng trên đây là 5 điều mình mong các bạn hãy chuẩn bị thật tốt ngay từ đầu nha! Hẹn gặp các bạn trong các bài viết tiếp theo.

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.